Không thể nói “đa dạng văn hóa” theo kiểu một chiều, mà văn hóa Việt Nam còn thể hiện mặt thống nhất của nó, đó là sự thống nhất của đa dạng, từ đa dạng.
Sự thống nhất của văn hóa Việt Nam có cơ sở tự nhiên và con người. Tính chất nhiệt đới gió mùa quy định hoạt động sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa nước. Nguồn gốc và lịch sử tộc người, lịch sử đất nước quy định những xu hướng phát triển chung của lịch sử văn hóa, có thể tạm phân chia chúng thành 4 giai đoạn chính:
- Văn hóa thời Hùng Vương dựng nước.
- Chuyển tiếp văn hóa thời Bắc thuộc (thế kỷ I - X).
- Văn hóa Đại Việt (thế kỷ X - XIX).
- Chuyển tiếp văn hóa từ cổ truyền sang hiện đại (văn hóa nông nghiệp sang văn hóa công nghiệp hóa). Với tư cách là một thực thể văn hóa của quốc gia, văn hóa Việt Nam mang những đặc trưng chung về ý thức hệ, về đạo đức, hệ thống giáo dục, ngôn ngữ và chữ viết phổ thông.
Nếu coi thống nhất văn hóa từ đa dạng, thì muốn củng cố sự thống nhất ấy, phải trên cơ sở bảo tồn và phát triển tính đa dạng của văn hóa, mà ở đây thể hiện rõ nhất là đa dạng văn hóa tộc người và văn hóa địa phương (văn hóa vùng). Sẽ không có sự thống nhất văn hóa nào vững chắc và lành mạnh lại dựa trên cơ sở thuần nhất hóa hay đơn nhất hóa văn hóa. Tuy nhiên, rất tiếc là quá trình đơn nhất hóa này, vô tình hay hữu ý (vô thức hay có ý thức) đang là thực tế diễn ra ở nhiều tộc người hay địa phương của nước ta. Việc bảo tồn và làm giàu thêm sắc thái văn hóa tộc người và địa phương đang còn nằm ngoài sự quan tâm thực sự của một số người quản lý văn hóa ở cả Trung ương và địa phương. Vì vậy, thời gian qua tính đa dạng văn hóa tộc người và vùng ở nước ta có bị giảm sút, tuy mức độ và tính chất của sự giảm sút đó ở các tộc người và vùng không đồng đều, nhưng mang tính phổ biến và đáng báo động. Cũng không thể để cho sự đồng hóa về văn hóa, dù đó là sự “đồng hóa tự nhiên”, đang diễn ra một cách “tự nhiên” như hiện nay.
Đối với các tộc người số lượng nhỏ đang có nguy cơ bị đồng hóa vào các cộng đồng người lớn hơn, Nhà nước phải kịp thời phát hiện, tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc phục hưng văn hóa cổ truyền của họ, trước hết là trên lĩnh vực tiếng nói, chữ viết, giáo dục, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức tộc người và ý thức về bản sắc văn hóa của các tộc người ấy. Hiện nay, chúng ta đã có những dự án với sự tài trợ của UNESCO nhằm cứu vãn các di sản văn hóa của các cộng đồng, tộc người nhỏ bé đang đứng trước sự “diệt vong”. Ví dụ như dự án về bảo tồn văn hóa của tộc người Rơ- măm, Brâu ở Tây Nguyên,...
Hãy lấy hiện tượng phục hồi và phát triển lễ hội truyền thống của các địa phương hiện nay làm ví dụ. Các địa phương đang đua nhau tu sửa lại di tích và mở lại các lẽ hội của làng mình. Vốn xưa, mỗi làng mỗi vùng xuất phát từ việc thờ các vị thần thánh khác nhau mà có những lễ nghi, phong tục khác nhau trong lễ hội theo kiểu: “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy, vui thì vui vậy chẳng tầy rã La” nhưng nay, do lâu không mở hội, nhiều người không còn nhớ các tục lệ cổ xưa, hơn nữa lại nặng đầu óc ganh đua, học đòi cách tân, nên có xu hướng nội dung lễ hội làng nào cũng thực hiện giống nhau, dễ gây cảm giác nhàm chán, làm mất đi nét độc đáo và đa dạng của các hội làng. Một vài lần mở hội như vậy, người xem không còn hứng thú nữa, nên cũng thưa thớt dần. Nếu cứ theo chiều hướng ấy, sắc thái văn hóa địa phương cũng có nguy cơ bị san bằng. Vấn đề đặt ra là, muốn cho lễ hội có sức cuốn hút mạnh mẽ, mỗi làng nên cố gắng phục hồi và bảo tồn những sắc thái độc đáo của lễ hội làng mình. Đó chính là cái “thần”, cái “hồn” của làng đó, và bằng những nét độc đáo phong phú, đa dạng của mình đóng góp vào cái chung của văn hóa Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét