Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946: Những bài học kinh nghiệm cho công tác bầu cử hiện nay




Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 06-01-1946) là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới ở nước ta. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử để lại những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu, góp phần ngày càng hoàn thiện chế độ bầu cử Quốc hội.

Mốc son lịch sử của thể chế dân chủ Việt Nam
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích của chế độ thực dân. Ngày 02-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 03-9-1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. Ngày 08-9-1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân Đại hội. Tiếp đó, ngày 17-10-1945, Chính phủ ký Sắc lệnh số 51/SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử.

Để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện chủ trương “thống nhất, thống nhất và thống nhất”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Hành động này chứng tỏ, Chính phủ và Việt Minh luôn tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tôn trọng người có tài, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, thiện tâm, thiện chí vì quyền lợi tối cao của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”(1).
Tuy nhiên, để công việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử được chu đáo hơn nữa và nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 06-01-1946; hạn nộp đơn ứng cử kéo dài đến hết ngày 27-12-1945; nơi nào lệnh hoãn không đến kịp, Chính phủ cho phép tiến hành Tổng tuyển cử theo quy định cũ (ngày 23-12-1945).
Càng gần đến ngày Tổng tuyển cử, không khí càng náo nức, sôi nổi. Một số địa phương, nhất là ở phía Nam, do lệnh hoãn không đến kịp, Tổng tuyển cử vẫn được tiến hành như kế hoạch đã định trước. Tại các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền vận động Tổng tuyển cử diễn ra bằng nhiều hình thức phong phú, thể hiện những nét văn hóa đặc sắc, đa dạng của mỗi dân tộc.
Ngày 05-01-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Người nhấn mạnh: “Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình (...) Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”(2).
Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 06-01-1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Việt Nam từ Bắc đến Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối, góp phần mang đến sự thành công cho cuộc Tổng tuyển cử ngày 06-01-1946. Cụ thể là, tính chung cả nước, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%, trong khi đó theo quy định của Điều 56 Sắc lệnh số 51 về Thể lệ Tổng tuyển cử, chỉ cần một phần tư (1/4) số cử tri có quyền bầu cử đi bầu thì cuộc bầu cử đã có giá trị. Cuộc Tổng tuyển cử bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái; có 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số(3).
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên mang nhiều ý nghĩa, không những là sự hợp pháp hóa, chính đáng hóa quyền lực của Nhà nước mà còn là giải pháp mang tính gốc rễ, căn bản để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột giai cấp, đảng phái trong điều kiện hòa bình. Cuộc Tổng tuyển cử vĩ đại đầy ý nghĩa đó thắng lợi do có sách lược ứng phó khéo léo: giương cao ngọn cờ đoàn kết, tất cả vì mục tiêu độc lập dân tộc với những giải pháp “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đầy nghệ thuật, không phải sử dụng bạo lực trong điều kiện “chưa bao giờ trên đất nước ta có nhiều kẻ thù đến thế”. Các lực lượng đối lập tìm mọi cách chống phá để cuộc bầu cử không thể thực hiện được, vì họ hiểu rõ tính hợp pháp của chính quyền thông qua bầu cử. Nhưng với khả năng tập hợp, vận động, lôi kéo nhân dân của chính quyền cách mạng và quan trọng hơn, bầu cử tự do là khát vọng ngàn đời của người dân Việt Nam, cuộc bầu cử vẫn được tổ chức. Khi cuộc bầu cử được tổ chức trong dân chủ, tự do, các thế lực thù địch lại tìm cách để trì hoãn và không công nhận. Với sách lược khôn khéo của Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù không mong muốn, nhưng các lực lượng đối lập không thể không công nhận kết quả bầu cử. Tuy nhiên, vì sao bầu cử lại có vai trò to lớn như thế? Câu trả lời rất đơn giản nhưng lại đầy sức thuyết phục, đó là: bầu cử thể hiện ý chí của nhân dân!
Những bài học kinh nghiệm cho công tác bầu cử hiện nay
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06-01-1946 là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới; là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bảy mươi năm đã trôi qua, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu:
Thứ nhất, phải đặt trọn niềm tin vào nhân dân. Ngược dòng lịch sử có thể thấy, trong thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin tuyệt đối vào nhân dân, vì Người tin rằng, nhân dân Việt Nam có niềm tin mãnh liệt vào Đảng, chính quyền cách mạng và giao trọn niềm tin cho Đảng, cũng như chính quyền cách mạng. Điều đó thể hiện mối quan hệ biện chứng về niềm tin giữa nhân dân với các thiết chế quyền lực trong một xã hội dân chủ. Hãy liên tưởng để nghe âm hưởng không khí sục sôi của ngày Tổng tuyển cử 06-01-1946: “Tiếng trống, chuông, chiêng… cùng vang dậy khắp Hà Nội, báo hiệu ngày hội Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc Việt Nam bắt đầu. Tại miền Nam, người dân cũng nô nức tham gia ngày bầu cử theo lời ca giục giã vang khắp mọi nơi: Hãy ra bầu cử, người công dân nước Nam. Hãy ra bầu cử, Nghị viện của mình…”. “Bây giờ có chết cũng hả dạ, vì đã bỏ được lá phiếu góp phần xây dựng nền móng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho con cháu mình”(4).
Rõ ràng, niềm tin, hy vọng của người dân đã theo từng tiếng trống, hòa cùng lời ca, gửi gắm trong từng lá phiếu của họ. Đó thực sự là cuộc Tổng tuyển cử của lòng dân, thể hiện niềm tin tuyệt đối của người dân vào tương lai tươi sáng của dân tộc, vào tiền đồ của chính quyền cách mạng. Kết quả bầu cử đã chứng minh việc đặt niềm tin đó là hoàn toàn sáng suốt và đúng đắn. Đó mới thực sự là tư tưởng trọng dân, tin dân. Bài học này đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
Thứ hai, bảo đảm quyền tự do bầu cử với những quy định linh hoạt và sáng tạo. Trên thực tế, cuộc Tổng tuyển cử đã thể hiện và bảo đảm thực hiện các nguyên tắc bầu cử tiến bộ, tạo mọi điều kiện để nhân dân thực hiện quyền của mình, tham gia bầu cử đông đủ, thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong việc xây dựng chính quyền nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ, Chính phủ đó thực sự là chính phủ của toàn dân…”. Chính vì thế, các quy định của pháp luật về bầu cử đều thể hiện rõ nguyên tắc bình đằng, dân chủ, công khai, phổ thông, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những ai là công dân Việt Nam không vi phạm những điều pháp luật quy định đều được bình đẳng, được tạo điều kiện ứng cử làm đại biểu Quốc hội và tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội. Những nguyên tắc về bầu cử, ứng cử từ đầu của công dân như không phân biệt trai - gái, giàu - nghèo, dân tộc, tôn giáo,… đã được khẳng định trong Hiến pháp và thể chế hóa trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội sau này. Đây là thành tựu của quá trình đấu tranh cách mạng không ngừng, quá trình giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; là sức mạnh đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, trí tuệ của nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, tuyên truyền, vận động bầu cử được tiến hành rộng rãi, dân chủ và thực chất. Để cuộc Tổng tuyển cử thực sự dân chủ, công tác tuyên truyền, vận động bầu cử là hết sức quan trọng nhằm giúp cho người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Tổng tuyển cử, về các quy định của pháp luật bầu cử để động viên nhân dân đi bầu cử đầy đủ và sớm nhất.
Trên thực tế, các cuộc vận động và tuyên truyền về cuộc Tổng tuyển cử ngày 06-01-1946 đã diễn ra sôi nổi, phong phú trên khắp cả nước. Các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là các báo, như Cứu Quốc, Sự Thật giữ vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, cổ vũ quần chúng, đấu tranh phê phán sự xuyên tạc của các lực lượng chính trị đối lập. Đặc biệt, Nhật báo Quốc hội (xuất bản ở Hà Nội) - tờ báo chỉ ra trong thời kỳ Tổng tuyển cử, nhằm mục đích nêu rõ giá trị của cuộc Tổng tuyển cử, giới thiệu những người ứng cử ở các tỉnh, thành phố cũng được công bố công khai để nhân dân tự do tìm hiểu, lựa chọn khi bầu. Từ nhiều tháng trước ngày bầu cử, các cán bộ Việt Minh ở cấp cơ sở còn trực tiếp tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân. Cách tuyên truyền, vận động bầu cử cũng độc đáo, sáng tạo. Có nơi cán bộ phải cùng ở với dân ngay cả khi làm đồng, xay lúa, lấy bèo, dạy chữ…, cả ngày cũng như đêm, giải thích đi, giải thích lại một cách cụ thể và dễ hiểu cho đồng bào về Quốc hội, về tầm quan trọng của Tổng tuyển cử, về quyền bầu cử, ứng cử của công dân.
Ngoài ra, các ứng cử viên cũng có các hình thức tiếp xúc với cử tri và vận động bầu cử khác nhau. Ở một số địa phương, nhân dân còn nghĩ ra những bài ca, bài vè, câu đối để giới thiệu người ứng cử cho cử tri dễ nhớ tên các ứng cử viên cần bầu. Ngày 05-01-1946, trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam học xá (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội), hướng về cử tri, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”(5).
Thứ tư, bài học về quyền ứng cử. Ngày 30-12-1945, trong bài viết trên Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”(6). Giải thích lý do tại sao lại ra ứng cử, Bác sĩ Tôn Thất Tùng cho biết: “Tôi lấy làm lạ cho thái độ lãnh đạm của một số anh em trí thức đối với cuộc Tổng tuyển cử này. Họ làm như việc của nước mình là việc của nước nào ấy. Tôi từ trước giờ vẫn ở yên trong địa hạt chuyên môn của tôi, không tham dự gì vào đời sống chính trị, nhưng bây giờ tôi thấy phải có bổn phận ra ứng cử” để “có thể giúp ích đôi chút bằng công việc chuyên môn của tôi”(7). Điều này lý giải tại sao trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 06-01-1946, để bầu được 333 đại biểu đã có hàng nghìn người hăng hái tham gia ứng cử và ở mỗi đơn vị bầu cử số ứng cử viên nhiều hơn gấp nhiều lần số đại biểu được bầu. Việc tôn trọng quyền tự do ứng cử và nơi tranh cử của ứng viên thể hiện tư tưởng mở rộng dân chủ trong bầu cử.
Trong 70 năm qua, Quốc hội đã tiến hành 13 cuộc bầu cử. Tuy nhiên, những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, cần được chắt lọc, vận dụng vào công tác bầu của Quốc hội khóa XIV và những nhiệm kỳ tiếp theo, để Quốc hội xứng đáng là cơ quan đại biểu dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét